Tin tức

Tín ngưỡng thờ thần Nam Hải ở Khánh Hòa qua khảo sát tư liệu Hán Nôm

Trong tín ngưỡng thờ cúng bách thần của người Việt, thì tín ngưỡng thờ thủy thần trong đó thần Nam Hải/Ông Nam Hải/Cá Ông (tức cá Voi) được người dân thờ tự phổ biến ở những vùng có ngư dân làm nghề biển. Đối với cư dân vùng biển khu vực miền Trung và Nam Trung bộ, tín ngưỡng thờ cúng thần Nam Hải vẫn được bảo lưu và thực hành trong đó có địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Thông qua việc tìm hiểu tư liệu Hán Nôm hiện còn tại các di tích thờ cúng cá ông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi muốn cung cấp một số nội dung của tín ngưỡng này còn được người dân nơi đây gìn giữ qua các đời.

Tín ngưỡng thờ thần Nam Hải ở Khánh Hòa qua khảo sát tư liệu Hán Nôm

1. Tên gọi của thần Nam Hải và các cơ sở thờ tự

Hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng thần Nam hải (cá voi) được nghiên cứu chủ yếu dựa vào các truyền thuyết, chuyện kể gắn với các nhân vật: Phật bà Quan Âm, Quan Công, vị thần sóng biển Pô Riyak của người Chăm... Tuy nhiên, để xác định được mốc thời gian ghi lại việc thờ cúng cá voi trên một địa điểm cụ thể, thì theo tác giả Lê Đình Hùng, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, viết năm 1806 có thể xem là một tài liệu sớm nhất. Trong phần ghi chép về dinh Bình Thuận có đoạn viết: “… 1.780 tầm, phía nam dọc theo bãi biển, phía bắc dọc theo động cát, đến miếu Thần Hải, miếu thờ thần Nam Hải cự tộc ngọc lân, tượng thần bằng đất, áo mũ rất trang nghiêm, hai bên có bày đao kiếm, chiêng trống và tàn lọng, đằng sau tượng có hòm gỗ sơn màu đỏ. Theo lời kể của các vị bô lão thôn Sơn Hải thì ngày 2.2.Bính Ngọ (?), người trong thôn thấy một khúc xương cá voi trên tấm ván gỗ thông trôi từ ngoài biển vào bãi này, lúc ấy dân thôn Vũng Diên Phan Rang tập hợp lại cùng nhau bưng tấm gỗ thông có xương cá ấy định đem đi mai táng, nhưng khi họ nhấc lên thì không sao nhấc nổi, bỗng dưng có một người trong thôn tên là Cha Tài nhập đồng nói to rằng: không được, chỗ ở của ta tại đây, không được đem đi táng chỗ khác. Mọi người thấy lạ, cho là thần nên không dám mang đi mà táng ngay tại chỗ đó, rồi lập miếu thờ, khâm liệm xương ấy vào quan tài bằng gỗ, để thờ ngay trong miếu, đặt người làm từ lo việc hương khói. Từ đó về sau, thuyền bè người Kinh, người Thuận Thành, mỗi lần đến neo đậu ở bãi này, phàm vào miếu cầu đảo việc gì cũng được linh ứng. Hằng năm vào ngày mồng 2.2, dân trong thôn dùng lễ tam sinh để cúng tế, lâu ngày đã thành lệ…”[1]Cũng theo tác giả, thì “năm Bính Ngọ được đề cập ở trên, chúng ta có thể ước đoán một niên điểm gần nhất là năm 1786”. Như vậy, trong khoảng thời gian trên, thần hiệu Nam Hải cự tộc ngọc lân đã xuất hiện gắn với cá voi. Nhưng căn cứ nội dung trên các đạo sắc phong có niên đại sớm nhất phong cho cho vị thần này ở các làng xã tại Khánh Hòa và vùng lân cận còn được tìm thấy, cho ta biết rằng thần Nam Hải cự tộc ngọc lân được triều đình nhà Nguyễn điển chế hóa và ban cấp sắc phong rộng rãi từ năm Minh Mệnh 3 (1822). Tên thần Nam Hải được dùng hiện nay mà người dân thường gọi là ông/cô Nam Hải, là cách gọi tên hai chữ đầu của cụm từ đầy đủ “Nam Hải cự tộc ngọc lân/ Nam Hải cự tộc nhân ngư/ Nam Hải đức ngư thần nương” mà thôi.

Cơ sở thờ tự thần Nam Hải ở Khánh Hòa thường là các Lăng (陵) hoặc Miếu (廟), cũng có nơi ghi là Từ (祠) nghĩa là đền thờ, lại có chỗ thần Nam Hải được thờ ở Điện (殿). Đặc biệt, một số di tích thần Nam Hải được thờ trang trọng ở Đình (亭). Cụ thể, lăng thờ ông Nam Hải thường được người dân khắc ba chữ Hán hoặc chữ Việt “Lăng Nam Hải” trên Nghi môn hoặc trên khuôn biển trước Chính điện của lăng. Có di tích đề “Lăng ông Nam Hải”, lại có di tích đề tên “Lăng (hoặc Lăng ông/cô) + địa danh” nơi di tích tồn tại, ví dụ: “Lăng Lương Hải”, “Lăng Quảng Hội”, “Lăng Tân Mỹ” (Vạn Ninh), “Lăng Cô Nam Hải Đá Dơi” (Cam Ranh), nhưng qua tìm hiểu chủ thể được thờ thi ta biết đó là lăng thờ thần Nam Hải. Tại Đình Cù Lao (Nha Trang) có Miếu Nam Hải, cũng có Miếu Nam Hải ở Ninh Hải, Ninh Hòa. Trong đợt khảo sát này, chúng tôi còn phát hiện thêm, trong lịch sử ông Nam Hải còn được dựng đền thờ và rất linh thiêng. Bức hoành phi có niên đại Minh Mệnh 19 (1838) tại Đình Bá Hà 1 (Ninh Hòa) đề bốn chữ “TỪ TẾ LINH TỪ 慈濟靈祠 ” nghĩa là “Đền thiêng thờ thần Nam Hải” là một minh chứng cụ thể, trong đó: chữ “Từ tế” là một trong các mỹ tự[2] đầu tiên được phong tặng cho thần Nam Hải dưới đời vua Minh Mệnh, triều Nguyễn. Tiếc rằng nay đền không còn, nên bức hoành này được treo chính giữa trong Đình Bá Hà 1. Trong khuôn viên đình Trường Đông (Nha Trang), có hẳn một ngôi điện riêng thờ thần Nam Hải, quy mô không kém ngôi Chính điện của đình, trên đó đắp ba chữ hán lớn đề “NAM HẢI ĐIỆN 南海殿 ”. Tương tự như vậy, ở Lăng Tân Mỹ (Vạn Ninh), phía trên trước cửa tòa chính lăng, có đắp bức đại tự “CHƯƠNG TÍN ĐIỆN 彰 信 殿”, cũng có nghĩa là “Điện thờ thần Nam Hải, bởi vì chữ “Chương Tín” là cách ghép chữ đầu “Chương” và chữ cuối “Tín” của hai mỹ tự: “Chương linh 彰 靈 ” và “Trợ tín 助 信” vốn được tặng phong cho thần Nam Hải vào niên đại Thiệu Trị 3 (1843).

Nhiều nơi, thần Nam Hải không có tự sở riêng, hoặc do lăng đã bị hư hoại nên thần Nam Hải được chuyển phối thờ với thần Thành hoàng ở đình, như Đình Trường Tây (Nha Trang);  Đình Lăng Bình Tây, Đình Bá Hà 1 (Ninh Hòa). Một số nơi, thần Nam Hải còn được thờ ở đình trước khi thờ thần Thành hoàng. Như trường hợp Đình Bình Tân (Nha Trang), qua khảo sát tư liệu sắc phong cho thấy, sắc phong cho thần Nam Hải có từ năm Minh Mệnh 3 (1822), trong khi đó sắc phong cho thần Thành hoàng đến năm Duy Tân 5 (1911) mới được ban tặng lần đầu. Vậy, có thể thấy, thần Nam Hải đóng vai trò như vị thần Thành hoàng của làng từ rất lâu, sau đó người dân mới đưa vào thờ tự thần Thành hoàng (vị thần chung chung, không có sự tích lai lịch rõ ràng).

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy thần Nam Hải ở địa bàn Khánh Hòa được thờ tự rất đa dạng ở những loại hình di tích có tên gọi khác nhau như: Lăng, Đình, Miếu, Điện. Cùng với đó, thần Nam có thể được thờ tự độc lập, cũng có thể được phối thờ với các vị thần khác trong cùng một di tích. Việc nhận diện chính xác tên thần Nam Hải và cơ sở thờ tự có ý nghĩa quan trọng cho việc xác định chủ thể được thờ tại di tích và thực hành tín ngưỡng của người dân đặc biệt là mỗi khi có lễ hội diễn ra, bởi cũng có hiện tượng người dân hiện nay đang đồng nhất giữa thần Nam Hải (Nam Hải cự tộc ngọc lân) với Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương, mặc dù hai vị thần này đều có chung từ “Nam Hải” nhưng thực chất là các thần có sự tích khác nhau và riêng biệt.

2. Việc sắc phong cho thần Nam Hải

      Theo kết quả khảo sát di tích cho thấy, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 52 cơ sở/di tích/điểm thờ tự thần Nam Hải. Trong số đó có 13 di tích có sắc phong với tổng số 62 lượt sắc phong cho thần Nam Hải

[3]

    .

Sắc phong là văn bản quan phương, chính thống của triều đình phong kiến dùng để phong tặng cho thần, qua đó chuẩn cho các xã dân được phép thờ tự, cúng tế theo điển lễ. Việc sắc phong cho thần Nam Hải ở Khánh Hòa được thể hiện bởi hai hình thức: (1) rất phổ biến là trên giấy sắc có ấn triện của triều đình và (2) hiếm gặp đó là một vài trường hợp dùng mỹ tự sắc phong để khắc lên thần vị thờ đặt tại ban thờ thần Nam Hải.

Các sắc phong sớm nhất cho thần Nam Hải ở địa bàn tỉnh Khánh Hòa được tìm thấy vào niên đại Minh Mệnh 3(1822) ở các di tích như: Đình Bình Tân, Đình xương Huân (Nha Trang); Đình Lăng Trường Tây (Ninh Hòa), đây là các làng, xã sớm có lịch sử hình thành trong bản đồ địa chí của tỉnh. Các sắc phong có niên đại muộn nhất phong cho thần Nam Hải ở Khánh Hòa ở vào niên đại Khải Định 9 (1924).

Nội dung các đạo sắc phong này cho biết những thông tin cụ thể và chính xác về: Tên thần được thờ, tên địa danh làng xã nơi di tích tồn tại (có sự thay đổi) qua các đời; các mỹ tự dùng để phong tặng cho thần Nam Hải qua các lần sắc phong và phẩm trật, thứ hạng thần Nam Hải. Theo đó, các mỹ tự của thần Nam Hải được phong qua các đời vua triều Nguyễn, gồm:
+ Năm Minh Mệnh 3 (1822), tặng hai chữ “Từ tế”.
+ Tháng 8 năm Thiệu Trị 3 (1843), tặng hai chữ “Chương linh”.
+ Tháng 9, năm Thiệu Trị 3 (1843), tặng hai chữ “Trợ tín”.
+ Năm Tự Đức 3 (1850), tặng hai chữ “Trừng trạm”.
+ Năm Đồng Khánh 2 (1889), tặng thêm “Dực bảo Trung hưng”.
+ Năm Khải Định 9 (1924), tặng thêm chữ “Uông nhuận”, đồng thời cũng trong năm này phong hạng từ “tôn thần” lên hạng “Trung đẳng thần”[4] - hạng thần cao nhất phong cho thần Nam Hải.

Qua khảo sát tư liệu sắc phong tại các di tích thờ cá ông ở Khánh Hòa cho thấy, thần Nam Hải không chỉ có một thần hiệu duy nhất là “Nam Hải cự tộc ngọc lân” mà còn có các thần hiệu khác:
- Sắc phong đời Duy Tân và Thành Thái tại Đình Ngân Hà (Ninh Hòa) có thần hiệu “Nam Hải cự tộc Nhân ngư”[5].
- Sắc phong đời Khải Định ở Lăng Phú Hội (Vạn Ninh) có thần hiệu “Nam Hải đức ngư thần nương”[6].

Mặc dù các mỹ tự phong tặng cho thần Nam Hải với các thần hiệu khác nhau là không thay đổi, song việc phân biệt giới tính của thần Nam Hải trên sắc phong rõ ràng đã minh chứng một hiện tượng cụ thể trên thực tế đó là phải có cá voi đực, cá voi cái, cá voi lớn, cá voi nhỏ khác nhau lụy (chết) dạt vào mỗi vùng, nên mới có các tên thần hiệu như vậy. Điều này còn thể hiện rõ qua tên gọi di tích: phổ biến thường thấy là tên gọi Lăng Ông Nam Hải, nhưng cũng có tên gọi Lăng Cô, như trường hợp Lăng Cô Nam Hải Đá Dơi (Cam Ranh), Lăng Cô Nam Hải (thôn Xuân Tự, Vạn Ninh). Vậy chữ Lăng Cô ở đây được hiểu là nơi này đã từng có Cô Nam Hải (cá cô) lụy vào, nên được người dân lập lăng và đặt tên lăng như thế.

Không chỉ được ban tặng sắc phong trên giấy, mà tại các di tích, thần Nam Hải còn được nhiều nơi khắc nội dung phong tặng lên bài vị thờ. Bài vị thờ thần Nam Hải, hiện tìm thấy tại Lăng Ông thôn Hà Liên (Ninh Hòa) được sơn son thiếp vàng khắc nội dung 13 chữ Hán: “Sắc phong Nam Hải cự tộc ngọc lân Từ tế chi thần vị: 敕封南海巨族玉鱗慈濟之神位”. Lăng Ông (Xương Huân, Nha Trang) có bài vị sơn đỏ, chữ vàng đề: “Nam Hải cự tộc ngọc lân Đại tướng quân: 南海巨族玉鱗大將軍 ”. Như vậy, trong lịch sử, cá voi không chỉ được phong thần mà còn được ngư dân tôn phong là Đại tướng quân.

Đối với di tích không có bài vị, trên các ban thờ thần Nam Hải ở chính giữa, thường đề các chữ Hán lớn: NAM HẢI/ ÔNG NAM HẢI/ THẦN NAM HẢI/ NAM HẢI THẦN …, kèm theo các tiểu liễn đối ca ngợi công đức của ông. Hai bên ban thờ thần Nam Hải có bài trí ban thờ Tả ban và Hữu ban.

3. Tín ngưỡng thờ thần Nam Hải ở Khánh Hòa qua di văn Hán Nôm

Theo tương truyền thì cá voi nhiều lần giúp ngư dân vượt qua hiểm nạn trên biển, do đó mà cá voi được người dân tôn làm bậc thần, được gọi một cách dân gian phổ biến hơn chính là Ông Nam Hải. Việc dựng lăng thờ tự Ông Nam Hải ở khắp vùng ven biển như là một sự tất yếu đối với ngư dân, đặc biệt là ở những nơi có ông lụy vào nhằm để ngư dân báo đáp ơn thần. Trong trường hợp cụ thể, thần Nam Hải được ví như những vị thần Thành Hoàng tại các làng biển phò giúp ngư dân được sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa. Công đức của thần còn được ca ngợi, khắc ghi tại nhiều di tích. Những hoành phi, câu đối, văn tế, sắc phong ở các di tích hiện còn ở Khánh Hòa đã phần nào nói lên điều đó. Qua khảo sát cho thấy, hoành biển, đại tự, câu đối, văn tế có ở hầu khắp các di tích thờ thần Nam Hải. Riêng đối với loại hình tư liệu sắc phong cho thần Nam Hải, chỉ thấy xuất hiện tại các di tích có lịch sử hình thành làng xã xuất hiện sớm trong địa chí tỉnh Khánh Hòa. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu một số tư liệu Hán Nôm tiêu biểu về tín ngưỡng thờ thần Nam Hải ở Khánh Hòa.

3.1. Sắc phong

Thần Nam Hải cự tộc ngọc lân (Đình Bình Tân, Nha Trang)

Phiên âm:
Sắc Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần. Hộ quốc tý dân, hiển hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng tự. Phụng ngã Thế tổ Cao Hoàng đế, thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân. Tứ kim, quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu, khả gia phong Từ Tế chi thần; nhưng chuẩn hứa Hà Bạc thuộc Cồn Giữa, Bến Đò thôn y cựu phụng sự. Thần kì tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Minh Mạng tam niên cửu nguyệt nhị thập tứ  nhật.

 

Dịch nghĩa:Sắc (cho) thần Nam Hải cự tộc ngọc lân. (Thần) giúp nước trợ dân, tỏ rõ công đức, đã được xã dân thờ tự. Vâng mệnh đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế[7] của ta, thống nhất bốn biển, phúc khắp thần nhân. Cho nên, nay rạng nối nghiệp lớn, xa nghĩ đến ơn che chở (của thần), nên đề cao danh hiệu, phong thêm (mỹ tự) Từ tế chi thần (thần nhân từ, cứu giúp); nhưng vẫn chuẩn cho thôn Bến Đò, Cồn Giữa, thuộc Hà Bạc thờ tự thần như cũ. Mong rằng thần hãy giúp đỡ và bảo vệ dân ta. Hãy kính cẩn!
Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng 3 (1822).

Sắc phong thần Nam Hải cự tộc nhân ngư (Đình Ngân Hà, Ninh Hòa)

Phiên âm:
Sắc Khánh Hòa tỉnh, Quảng Phước huyện, Ngân Hà thôn phụng sự Nam Hải cự tộc nhân ngư chi thần. Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Hướng lai, vị mông ban cấp sắc văn. Tứ kim, phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Trừng trạm Dực bảo trung hưng chi thần. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Thành Thái nhị niên, nhị nguyệt, nhị thập nhật.

Dịch nghĩa:
Sắc cho thôn Ngân Hà, huyện Quảng Phước, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ thần Nam Hải cự tộc nhân ngư. Thần giúp nước trợ dân, hiển tỏ linh ứng. Trước nay, chưa được ban tặng sắc phong. Cho nên, nay (trẫm) cả tuân mệnh lớn, xa nghĩ đến ơn thần, phong thêm mỹ tự Trừng trạm Dực bảo trung hưng chi thần. Đặc chuẩn cho thờ tự như cũ. Mong rằng thần hãy giúp đỡ và bảo vệ dân ta.
Hãy kính cẩn!
Ngày 20 tháng 2 năm Thành Thái 2 (1890). 

Sắc phong Nam Hải đức ngư thần nương (Lăng Phú Hội, Vạn Ninh)

Phiên âm:
Sắc Khánh Hòa tỉnh, Ninh Hòa phủ, Phước Tường Nội tổng, Phú Hội thôn, phụng sự Nam Hải đức ngư thần nương tôn thần. Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ phong vi Uông nhuận Dực bảo trung hưng Trung đẳng thần, chuẩn Kỳ phụng sự. Thần kỳ tướng hữu bả ngã lê dân. Khâm tai!
Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:
Sắc cho thôn Phú Hội, tổng Phước Tường Nội, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ tôn thần Nam Hải đức ngư thần nương. Thần giúp nước, trợ dân, tỏ rõ linh ứng. Cho nên, nay, đúng dịp trẫm mừng thọ tứ tuần, đã ban chiếu báu, ơn sâu, lễ trọng, lên bậc, phong (mỹ tự) là Uông nhuận Dực bảo trung hưng Trung đẳng thần, và chuẩn cho thờ tự. Mong rằng, thần hãy giúp đỡ và bảo vệ dân chúng của trẫm.
Hãy kính cẩn!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924).

3.2. Câu đối

Câu đối hoặc liễn đối là một thể loại của văn học, gồm hai vế đối nhau, làm theo thể biền ngẫu nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả đối với một hiện tượng, sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Đối với hệ thống di danh thắng, câu đối có khối lượng lớn và có giá trị về nhiều mặt, biểu đạt nhiều nhóm nội dung như: miêu tả cảnh quan, ca ngợi công đức, giáo huấn, thù tạc, chúc mừng, điếu viếng… Qua khảo sát các di tích thờ cúng thần Nam Hải ở Khánh Hòa, chúng tôi đã sưu tầm được một số câu đối tiêu biểu dưới đây.

3.2.1. Câu đối miêu tả quy mô xây dựng lăng miếu thờ thần Nam Hải và cảnh quan không gian, qua đó thấy được vị trí của lăng thường tọa lạc ở những nơi có biển rộng, núi cao, và địa thế rồng chầu, hổ phục, cung điện nguy nga.

陵前嶺嶠神仙會
寺後巍峨龍虎朝
Lăng tiền lãnh kiểu, thần tiên hội,
Tự hậu nguy nga, long hổ triều.
Trước lăng núi biếc thần tiên hội,
Sau chùa nguy nga rồng hổ chầu.
(Lăng Nam Hải Trí Nguyên - Nha Trang)

新境風光前人建造留古跡
美陵壯麗後世栽培永千秋
Tân cảnh phong quang, tiền nhân kiến tạo lưu cổ tích
Mỹ lăng tráng lệ, hậu thế tài bồi vĩnh thiên thu.
Cảnh mới phong quang, tiền nhân kiến tạo lưu cổ tích,
Lăng đẹp tráng lệ, hậu thế đắp bồi mãi ngàn năm.
(Lăng Ông Tân Mỹ - Vạn Ninh)

潭前瀝翁魚龍舞
門後垌高鳳凰鳴
Đầm[8] tiền lạch ông ngư long vũ,
Môn hậu đồng cao phượng hoàng minh.
Trước đầm lạch Ông cá bơi lội,
Sau miếu đồng cao phượng hoàng bay.
(Đình Đầm Môn – Vạn Ninh)

3.2.2. Câu đối ca ngợi công đức của thần Nam Hải giúp dân được mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp.

德普南邦民安樂
功施海上浪波平
Đức phổ Nam bang dân an lạc,
Công thi Hải thượng lãng ba bình.
Đức khắp nước Nam, dân an lạc
Công dày trên biển, sóng yên bình.
(Điện Nam Hải – Trường Đông, Nha Trang)

神護魚民雨順風和安百姓
聖扶本瀝人康物阜盛千秋
Thần hộ ngư dân, vũ thuận phong hòa an bách tính
Thánh phò bổn lạch, nhân khang vật phụ thịnh thiên thu.
Thần giúp ngư dân, gió thuận mưa hòa an trăm họ,
Thánh phò bổn lạch, nhân khang vật thịnh phước ngàn thu.
(Lăng Ông Nước Ngọt – Lợi Thủy, Cam Lợi, Cam Ranh)

救四季風調雨順
顯五方樂業安居
Cứu tứ quý phong điều vũ thuận
Hiển ngũ phương lạc nghiệp an cư.
Giúp bốn mùa gió hòa mưa thuận
Hiển năm phương lạc nghiệp an cư.
(Lăng ông Vĩnh Lương – Nha Trang)

威靈澄湛萬里度魚民
振攝波平藏深能救眾
Uy linh trừng trạm vạn lí độ ngư dân,
Trấn nhiếp ba bình tàng thâm năng cứu chúng.
Oai linh trừng trạm, muôn dặm giúp ngư dân,
Trấn giữ sóng bằng, ẩn sâu năng cứu chúng.
(Lăng ông Trí Nguyên – Nha Trang)

南國英靈物阜民康彰盛德
海分濟祐波平浪靜沐洪恩
Nam quốc anh linh vật phụ dân khang chương thạnh đức
Hải phân tế hựu ba bình lãng tĩnh mộc hồng ân
Nam quốc linh thiêng, nhân vật tốt tươi, ngời đức thạnh
Biển khơi cứu giúp, sóng yên gió lặng, gội ơn thần
(Lăng Quảng Hội – Vạn Ninh)

3.2.3. Câu đối miêu tả sự linh ứng của thần Nam Hải đối với người dân.

南海英靈留千古
焚香禮拜四時春
Nam hải anh linh lưu thiên cổ
Phần hương lễ bái tứ thời xuân
Nam Hải linh thiêng lưu thiên cổ
Đốt hương lễ bái bốn mùa xuân
視弗見聽弗聞允矣千秋顯赫
感必通求必應大哉萬古英靈
Thị phất kiến thính phất văn, doãn hĩ thiên thu hiển hách.
Cảm tất thông cầu tất ứng, đại tai vạn cổ anh linh.
Nhìn chẳng thấy hình, nghe không thấy tiếng, quả thực là ngàn năm hiển hách,
Có cảm ắt thông, có cầu ắt ứng, lớn lao thay muôn thuở linh thiêng.
(Lăng Ông Tân Mỹ - Vạn Ninh)

四海神通能救度
五州妙法聽英靈
Tứ hải thần thông năng cứu độ,
Ngũ châu diệu pháp thính anh linh.
Bốn biển thần thông năng cứu giúp,
Năm châu diệu pháp tiếng linh thiêng.
(Lăng Ông Đại Lãnh – Vạn Ninh)

炤應江中波浪靜
威靈海宇渚河清
Chiêu ứng giang trung ba lãng tĩnh
Uy linh hải vũ chử hà thanh
Rõ ứng sông hồ sóng yên lặng
Oai linh biển cả bãi bến trong
(Lăng Quảng Hội – Vạn Ninh)

3.3. Văn tế thần Nam Hải

Bản văn tế này, được soạn bằng chữ Hán, viết trên giấy dó, trong tập các văn cúng, văn tế của đình làng Bích Đầm, hiện còn lưu trữ tại Đình Bích Đầm. Tuy không ghi niên đại cụ thể, nhưng căn cứ vào lối viết chữ Hán và cách hành văn, có thể xác định văn tế này là do các cụ biên soạn và lưu truyền từ nhiều đời. So sánh với các bản văn tế hiện nay, thì đây là một trong những bản văn tế có nội dung khả tín và có giá trị nghiên cứu tiêu biểu, nên chúng tôi chọn giới thiệu trong bài viết này.
Phiên âm:
KỴ NAM LĂNG VĂN
Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Hộ quốc Tí dân Dực bảo Trung hưng Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Linh phò tôn thần.
Cung thỉnh:
Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy Dực bảo Trung hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng thần.
Bản cảnh Thành Hoàng chi thần Nẫm trứ linh ứng trứ phong vi Hộ quốc Tí dân Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần.
Thủy Long Huyền Nữ nương nương tôn thần.
Trai thục Hộ quốc Tí dân Nẫm trứ linh ứng Dực bảo Trung hưng Khánh Bình Biến hóa Đệ Bát Tiên nương Trung đẳng thần.
Hà Bá Thủy Quan tôn thần.
Bổn xứ Thổ Công tôn thần.
Sơn nhạc chư vị Dương thần.
Hà hải chư vị Âm thần.
Thổ địa phúc đức chánh thần.
Đông trù tư mệnh Tảo phủ thần quân.
Tả ban liệt vị chi thần.
Hữu ban liệt vị chi thần.
Tả vệ Đao ngư đại tướng quân.
Hữu vệ Dạ thoa đại tướng quân.
Bổn lăng giám thần chi thần.
Vị tiền.
Viết. Cung duy!
Tôn thần: Nam quốc đĩnh sinh, hải thiên cự phổ. Tùy ba trục lãng, dao thân nhi thủy kích vân tiêu; Giá hải khu ngư, trạo vĩ nhi thanh đằng hoàn vũ. Tí dân đức trạch, hi triều long khánh điển biểu dương; Cứu chúng phong ba, nam quốc mộc hoằng ân tế độ. Anh linh phổ biến nhĩ hà, yên tự đồng phu suất thổ. Tư nhân, húy nhật đản diên, cung trần lễ số, thượng kỳ giám lâm, tích dĩ thuần hỗ. Tỉ bổn thôn hồng phong ngộ thuận, bích hải ngung lãng tĩnh ba bình; nguyện đồng nhân ngư mộng tường trưng, đàm ấp khánh dân khang vật phụ.
Ngưỡng lại Tôn thần phò trì chi đại đức dã.
Cẩn cáo!
Kỵ.
Tả hữu thị tòng tịnh tiền hiền khai khẩn hậu hiền khai khẩn cập thập loại âm hồn cô đồng lai phụ hưởng.

 

Dịch nghĩa:VĂN TẾ LĂNG ÔNG NAM HẢI[9]
Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Hộ quốc Tí dân Dực bảo Trung hưng Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Linh phò tôn thần.
Cung kính thỉnh các thần:
Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy Dực bảo Trung hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng thần.
Bản cảnh Thành Hoàng chi thần, Nẫm trứ linh ứng, trứ phong vi Hộ quốc Tí dân Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần.
Thủy Long Huyền Nữ nương nương tôn thần.
Trai thục Hộ quốc Tí dân Nẫm trứ linh ứng Dực bảo Trung hưng Khánh Bình Biến Hóa Đệ Bát Tiên nương Trung đẳng thần.


Hà Bá Thủy Quan tôn thần.
Bổn xứ Thổ Công tôn thần.
Sơn nhạc chư vị Dương thần.
Hà hải chư vị Âm thần.
Thổ địa phúc đức chánh thần.
Đông trù tư mệnh Tảo phủ thần quân.
Tả ban liệt vị chi thần.
Hữu ban liệt vị chi thần.
Tả vệ Đao ngư đại tướng quân.
Hữu vệ Dạ thoa đại tướng quân.
Bổn lăng giám thần chi thần.


Trước các thần vị, cung kính nghĩ rằng:
Tôn thần: Sanh tại nước Nam, biển trời họ lớn. Theo sóng vẫy vùng, thân cùng con sóng vút cao; vượt biển khu ngư, đuôi vỗ âm thanh rộng lớn. Giúp dân công đức, trải các triều long trọng biểu dương; Cứu chúng phong ba, nước Nam tắm gội ơn tế độ. Linh thiêng phổ biến xa gần, tế tự cùng thờ khắp chốn. Nay nhân ngày húy chiếu bày, cung kính sửa sang lễ vật. Mong thần chứng giám, ban cho phước lành. Khiến cho bổn thôn gió lớn thuận buồm, nơi biển biếc sóng yên gió lặng. Nguyện ngư dân mộng gặp điềm lành, đầm ấp vui dân khang vật thịnh.
Ngửa dựa tôn thần phò trì đức lớn.
Cẩn cáo.
Cùng với: Tả hữu thị tòng, và Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai khẩn, thập loại Âm hồn, cô hồn cùng về phối hưởng.

4.Lời kết

Tín ngưỡng thờ thần Nam Hải ở Khánh Hòa biểu hiện đa dạng, phong phú. Để nhận diện được giá trị thực của tín tục này trong chừng mực nhất định lại chính là ở việc khai thác tốt các tư liệu Hán Nôm hiện còn tại các di tích có liên quan đến tục thờ thần Nam Hải. Tuy nhiên, hiện các tư liệu Hán Nôm các di tích nói chung đang ngày càng có nguy cơ bị mai một và thất truyền, đã đặt ra vấn đề cần phải có biện pháp khai thác và bảo vệ nguồn tư liệu này một cách cấp thiết, có định hướng. Có như vậy công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, của lễ hội trong tương lai mới đạt được hiệu quả như mong muốn của bao lớp thế hệ xưa nay./.

Đỗ Văn Khoái

Tài liệu tham khảo :
1-Trịnh Hoài Đức (1974), Gia Định thành thông chí (tập hạ) bản dịch của Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản.
2-.Lê Thế Vịnh (2015), Phong tục thờ cúng cá ông, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3- Lê Đình Hùng (2012), Thần hiệu và mỹ tự của cá voi qua tư liệu thần sắc tại tỉnh Khánh Hòa, Thông báo Hán Nôm học.
4- Tư liệu Hán Nôm: sắc phong, hoành phi, câu đối, văn tế, thần vị…tại các di tích thờ cúng thần Nam Hải, tỉnh Khánh Hòa.

Chú thích:
[1] Xem thêm Lê Đình Hùng, Thần hiệu và mỹ tự của cá voi qua tư liệu thần sắc tại tỉnh Khánh Hòa”Thông báo Hán Nôm học 2012. Nguồn: http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2386&Catid=485
[2] Mỹ tự là những chữ có ý nghĩa, hay, đẹp dùng để phong tặng cho các thần thường thấy trong các đạo sắc phong.
[3] Nguồn: Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa.
[4] Nguồn: Tư liệu Sắc phong thần Nam Hải tại Đình Bình Tân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
[5] Về chữ Nhân ngư: Trịnh Hoài  Đức trong sách Gia Định thành thông chí viết: “Tượng ngư: cá voi đầu tròn nơi trán, có lỗ nước phun ra, miệng mũi giống như con voi, trơn láng không có vảy, đuôi có hai chi giống như đuôi tôm, tánh từ thiện, biết cứu trợ người, nên các nhà ngư nghệ gọi là nhân ngư… Dân miền biển đều kính lễ, thấy xác cá voi trôi dạt, dân làng thường góp tiền mua vải, hòm liệm chôn. Người trưởng trong ngư hộ đứng làm tang chủ, cất đền phụng thờ”. Nguồn: Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí (tập hạ), 1974, bản dịch của Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, trang 58.
[6] Về chữ Đức ngư: Trong sách Đại Nam nhất thống chí phần “Thừa Thiên phủ”, cá voi được gọi là Đức ngư. Đức ngư đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai mang như đuôi tôm, có tính từ thiện, hay giải cứu người khi qua biển mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng vua đặt là Nhân ngư. Đầu niên hiệu Tự Đức lại lấy tên Đức ngư. Loại cá này có trong Nam Hải thì linh, còn ở nơi khác thì không linh”. Nguồn: dẫn theo Lê Thế Vịnh, Phong tục thờ cúng cá ông. Nxb KHXH, 2015, trang 34.
[7]  Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế là miếu hiệu và thụy hiệu của vua Gia Long triều Nguyễn, tên húy là Nguyễn Phúc Ánh (1802-1820).
[8] Chữ này trên câu đối Hán tự đọc là Đàm nghĩa là đầm. Theo người dân địa phương nhiều đời đọc là Đầm nên chúng tôi nhất loạt phiên âm là Đầm. Trong câu đối, đại tự, sắc phong cũng phiên âm như vậy.
[9] Bản Văn tế này nguyên văn không ghi chép phần mở đầu.

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Người Chăm với lễ hội Tháp Bà Nha Trang

Bài tiếp tiếp theo

TÍN NGƯỠNG THỜ THIÊN Y A NA Ở KHÁNH HÒA

TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH TỈNH KHÁNH HÒA

  • Đang Online:290
  • Hôm nay: 914
  • Tuần này: 9,034
  • Tháng này: 34,286
  • Tất cả: 3,098,491

Chung nhan Tin Nhiem Mang