HUYỆN KHÁNH SƠN ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH "DI TÍCH KHẢO CỔ ĐỊA ĐIỂM DỐC GẠO"
Ngày 06/6/2024, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch - sử văn hóa cấp tỉnh: Di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo tại thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao trao bằng di tích cho lãnh đạo huyện Khánh Sơn.
Di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo là di tích cấp tỉnh đầu tiên thuộc loại hình di tích khảo cổ của tỉnh Khánh Hòa (sau di tích khảo cổ Địa điểm Hòa Diêm xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh được xếp hạng di tích quốc gia năm 2014). Như vậy, tính đến nay, Khánh Hoà có 181 di tích cấp tỉnh với đầy đủ 04 loại hình gồm khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử và danh lam thắng cảnh.
Địa điểm nơi phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn là ngọn núi Dốc Gạo, được gia đình người Raglai là ông Bo Bo Sung tìm thấy trong lúc làm nương rẫy vào khoảng năm 1947; sau đó, các nhà khoa học đã thực hiện khảo sát vào năm 1979 và khảo cổ từ năm 1980 -1981. Dựa vào các tiêu chí về tính độc bản, độc đáo có giá trị đặc biệt về lịch sử - văn hóa, âm nhạc, Sưu tập đàn đá Khánh Sơn (gồm 12 thanh, ký hiệu A & B) của tỉnh Khánh Hoà đã được công nhận là bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ (đợt 12).
Đại biểu tham dự lễ đón bằng di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo.
Việc xếp hạng di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo, nơi được các nhà khoa học nhận định là xưởng chế tác đàn đá Khánh Sơn có từ xa xưa, đã góp phần khẳng định những giá trị của di tích. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Địa điểm Dốc Gạo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cùng với việc sử dụng đàn đá Khánh Sơn trong tuyên truyền quảng bá di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo, sẽ góp thêm mảng màu sắc văn hóa truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật âm nhạc và trải nghiệm của các tầng lớp Nhân dân.
Tin bài: Thanh Loan
Ảnh: Bá Trung Toản