Tin tức

LỄ BỎ MẢ CỦA NGƯỜI RAGLAI

LỄ BỎ MẢ CỦA NGƯỜI RAGLAI

Cũng như các tộc người trong ngữ hệ Nam Đảo, người Raglai quan niệm rằng, trong cõi nhân gian có hai thế giới cùng tồn tại song song, đó là thế giới của người đang sống và thế giới của những người đã khuất. Thế giới của người đang sống chỉ là cõi tạm, còn thế giới của những người đã khuất mới là thế giới vĩnh hằng. Trong vòng quay của cuộc đời, mỗi con người đều phải trải qua rất nhiều nghi lễ:
- Khi đứa trẻ sinh ra được 6 tháng tuổi, cha mẹ phải làm “Lễ thổi tai”cho con chóng lớn.
- Con cái lớn lên dựng vợ, lấy chồng cha mẹ phải làm“Lễ cưới”.
- Có gia đình rồi, con cái phải cất nhà để ra ở riêng, vợ chồng mới phải làm “Lễ mừng lên nhà mới”.
- Khi đã vào tuổi 60 trở lên, con cái phải làm “Lễ đền ơn đáp nghĩa” cho cha mẹ.
- Khi mất đi, con cái phải làm “Lễ đưa ma”.

Sau khi chết, người chết đã chôn rồi, nhưng vẫn chưa dứt được mối quan hệ với người đang sống, bởi linh hồn của người chết vẫn còn lẫn khuất trong cõi nhân gian nên phải có Lễ Bỏ mả. Khi tiến hành xong Lễ Bỏ mả thì người sống và người đã chết mới chính thức chấm dứt mọi quan hệ với nhau. Người Raglai quan niệm rằng, chết không phải là điểm kết thúc của một đời người, mà chỉ là sự chuyển hoá từ thế giới này sang thế giới khác. Do đó, Lễ Bỏ mả là một lễ quan trọng nhất trong đời sống của một con người - là ngày chia tay vĩnh viễn giữa người đang sống và người đã chết để người chết thực sự trở về với cõi vĩnh hằng.

Theo tập tục cổ truyền của người Raglai, Lễ Bỏ mả còn gọi là Lễ Bỏ ma (Vidhi: chấm dứt, dứt đứt; atơu: ma, người chết) có thể tổ chức bởi hai hình thức: Bỏ mả cùng lúc với đám tang (Vidhi atơu tloh sa bac) và Bỏ mả có thời gian chuẩn bị (Vidhi atơu). Bỏ mả cùng lúc với đám tang sẽ có nhiều mặt thuận lợi cho gia đình hơn, song hiện nay, ở Khánh Sơn nhiều gia đình có người chết vẫn chọn hình thức bỏ mả có thời gian chuẩn bị, vì nó phù hợp với tình cảm của con người khi buộc phải dứt đứt mọi quan hệ với người thân.

Lễ Bỏ mả (Vidhi atơu) được tiến hành trong 3 ngày, với nhiều lễ thức khác nhau. Mỗi lễ thức mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được truyền từ đời này sang đời khác và hầu hết còn được bảo lưu nguyên vẹn.

1. Tiến trình Lễ Bỏ Mả
Những ngày trước Lễ Bỏ Mả: Theo luật tục của  người Raglai ở Khánh Sơn, khi tổ chức Lễ Bỏ mả cho người thân, gia đình phải mời đủ những người đã từng tham dự lễ tang người quá cố để họ chia tay lần cuối với người đã chết, đồng thời để bày tỏ lòng tri ân của gia đình đối với cộng đồng. Vì vậy, để tổ chức cho Lễ Bỏ mả, gia đình phải chọn ngày giờ, sau đó phải bỏ ra hàng tháng trời để chuẩn bị cho việc ủ Rượu cần, làm Nhà mồ, Kagor và mời họ hàng, thân thuộc cùng tham dự. Cho nên, muốn làm được một Lễ Bỏ mả nghiêm túc theo đúng như luật tục thì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức của gia đình và của cả cộng đồng.

Lễ Bỏ mả của người Raglai ở Khánh Sơn được diễn ra trong 3 ngày. Tiến trình cuộc lễ và các nghi thức được diễn ra trong từng ngày như sau:

Ngày thứ nhất:
- Lễ Bầu Chủ Nhang là lễ thức khởi đầu nhằm chọn ra 3 người để điều hành toàn bộ các nghi thức trong Lễ Bỏ mả. Ba người này là những người già trong Plơi am hiểu về luật tục Raglai, biết những bài khấn, là người có tuổi và được mọi người kính trọng. Trong đó, có vị Chủ Nhang (Po Yarh) và 2 người phụ lễ. Thông thường 2 người phụ lễ là 2 người đã từng khiêng đầu và khiêng chân của người quá cố trong Lễ Đưa tang, còn Chủ Nhang thì phải là vị Thầy Cúng.
- Lễ dặn hồn Mả (Ti kây Atơu) là nghi thức thông báo với người chết về thời gian, lịch trình và các vấn đề có liên quan đến Lễ Bỏ mả để hồn người chết được biết những gì sắp diễn ra mà đón nhận. Lễ được Chủ Nhang thực hiện ngay tại mồ người quá cố.

Sau Lễ Dặn hồn Mả, mọi người trở về lại nhà để chuẩn bị làm lễ cúng Ông Bà – còn gọi là Lễ Cúng Kagor ( Papơc Kagor)­.

Nghi lễ cúng tại thuyền Kagor

Nghi thức cúng tại thuyền Kagor 

- Lễ Cúng Kagor (Papơc Kagor) là một nghi thức quan trọng trong Lễ Bỏ mả của người Raglai ở Khánh Sơn. Lễ được tổ chức trang trọng với sự tham dự đủ đầy của các thành viên trong gia đình và họ tộc nhằm xin với Ông Bà cho linh hồn người chết được về với Ông Bà ở bên kia thế giới. Tuy chỉ mang tính nội bộ trong gia đình nhưng trong tâm khảm của người Raglai lễ thức này luôn là lễ thức quan trọng  không kém gì Lễ Dứt đứt sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng.

Ngày thứ hai:
Trong Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, ngày thứ hai được xem là ngày lễ chính. Ấy là ngày mọi người trong thân tộc và hàng xóm láng giềng, bè bạn gần xa sẽ cùng nhau ăn buổi cơm cuối cùng để “dứt đứt” cùng người chết tại nhà mồ. Ngày thứ hai được diễn ra với nhiều nghi thức :
- Lễ Đập heo đập gà (Toh un toh manuq) trước khi ra mả để rước hồn ma về, tại nhà chủ thực hiện nghi thức lễ “Đập heo đập gà”.
- Lễ rước hồn Mả (Nao tuh Atơu) lúc này, viêc dựng Nhà mồ đã xong phần cơ bản, chỉ còn chờ gắn Kagor lên nóc là xong. Chủ Nhang, các phụ lễ và đội Mã la cúng tại cây Cột Đầu để “Mời hồn Mả về nhà ăn cơm”. Sau lần cúng tại Cột Đầu, lại tiếp tục cúng ở Cột Chân Nhà mồ - nơi đặt ché rượu cần và bếp ăn.
Lễ làm tuần Mả ( Ngă Vidhi Atơu) là nghi thức quan trọng nhất trong ngày thứ 2 của Lễ Bỏ mả. Lễ thức nhằm cáo yết với Ông Bà về chuyện gia đình sẽ chính thức làm lễ “Dứt đứt” với người chết vào sáng ngày mai.

Ngày thứ ba:
- Lễ Cúng cơm sáng (Papơc pu mugoa) là nghi thức để xin với Ông Bà được chuyển Kagor về Nhà mồ người chết diễn ra tại nhà vào sáng sớm ngày thứ ba.
- Lễ Dứt đứt (Vihdi Atơu) là một nghi thức mang tính tập tục truyền đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và của người Raglai nói riêng. Trong lễ sẽ diễn ra nghi thức “Chia của” –  một nghi thức lễ đặc hữu của Lễ Bỏ mả:
Lễ Tiễn đưa Kagor: Đoàn người dự lễ rước Kagor ra mộ đi theo thứ tự. Tất cả đi theo hàng dọc và cùng về phía Nhà mồ.
+ Lễ Dứt đứt : Khi đám rước tới mộ, họ đặt chiếc Kagor bên cạnh Nhà mồ. Sau khi cúng trước Kagor để xin phép Ông Bà cho tiến hành cuộc lễ, sau đó người ta đưa chiếc Kagor lên gắn trên đỉnh Nhà mồ.

Nhà mồ được dựng trên vùng đồi quang đãng theo hướng Đông – Tây. Mái Nhà mồ được lợp bằng tranh tạo dáng thành hình chiếc thuyền đang lật úp, ở giữa nóc mái Nhà mồ có trồi lên một cây trụ vuông để gắn Kagor. Kagor được đưa lên và gắn vào nóc Nhà mồ cũng theo hướng Đông – Tây.

Lễ cúng tại Nhà mồ

Lễ cúng tại Nhà mồ 

Chủ Nhang và hai phụ lễ lại bắt đầu nghi thức cúng để “Rước linh hồn người chết về phù hộ cho gia đình” (Tu pô ngă ya wa xoa di).

Sau khi hoàn tất các nghi thức lễ tại Nhà mồ, Chủ Nhang và các phụ lễ lại sang phía nhà tạm, nơi đặt những chiếc Cỗ giỏ, áo quần vàng mã cùng những lễ vật khác đã được bày biện sẵn sàng. Sau hồi khấn vái, Chủ Nhang lấy chiếc Gai-tuah ra bẻ làm đôi và cắm vào Cỗ giỏ. Đây là nghi thức cắt đứt mối quan hệ giữa người sống và người chết. Tô-đầu-chấm-than, được đem ra lau sạch rồi rót rượu cần vào đầy tô, đặt ở giữa mâm lễ. Đến lúc này, người chủ gia đình tổ chức Lễ Bỏ mả mới được vào ngồi cạnh các vị Chủ Nhang, để làm thủ tục “Chia của”.

Chủ Nhang và người chủ gia đình tổ chức Lễ Bỏ mả đưa ra những của cải tượng trưng ra để chia, đồng thời họ hỏi ý kiến của người chết có đồng ý hay không? Muốn biết ý kiến của người chết, các Chủ Nhang phải làm thủ tục bói lưỡi gà.

Xong thủ tục “Chia của”, Chủ Nhang khấn vái lần cuối và cùng các phụ lễ đốt vàng mã cho người chết. Chủ Nhang lại lấy con dao, cắt 2 cái tai heo và một miếng da chân của con heo lễ, bỏ vào Cỗ giỏ rồi lần lượt trút hết các vật cúng vào các Cỗ giỏ còn lại. Riêng rượu cần trong Tô-đầu-chấm-than thì Chủ Nhang, các phụ lễ rồi đến người chủ gia đình tổ chức Lễ và lần lượt đến những người trong gia đình người chết cùng chia nhau uống hết. Đặc biệt, người đến uống rượu nơi Tô-đầu-chấm-than, không được nâng tô lên, mà phải cúi rạp người xuống, kê miệng vào tô mà uống.

Xong nghi thức uống rượu, Chủ Nhang và các phụ lễ trực tiếp khiêng chiếc Cỗ giỏ đan bằng tre vào bên trong Nhà mồ, các Cỗ giỏ khác, cũng được những người phụ giúp khiêng sang. Họ treo tất cả các Cỗ giỏ lên trên xà Nhà mồ. Một người đàn ông khác cầm viên đá xanh vào đập vỡ chiếc ché rượu cần đã đặt trong Nhà mồ để làm lễ trong nhiều ngày qua như một động tác kết thúc nghi thức Dứt đứt cùng người chết. Cuối cùng, em gái (hoặc chị gái) của người chết đem cái Tô-đầu-chấm-than – vật thiêng giữ hồn người chết – vào trong Nhà mồ để làm nghi thức chôn tô.

Được biết, theo Luật tục cổ truyền của người Raglai thì “Tô-đầu-chấm-than là một trong hai vật thiêng được coi là nơi trú ngụ của hồn người chết”, nên khi bỏ mả xong thì sẽ được mang về lưu giữ tại dòng họ chính của người chết hoặc người chồng có thể xin với dòng họ của người vợ để mang về nhà làm vật kỷ niệm cho gia đình. Và mỗi khi gia đình có việc gì trọng đại thì đều phải cúng xin phép với rất nhiều nghi thức. Ngày nay, người Raglai ở Khánh Sơn khi tổ chức Lễ Bỏ mả thì làm lễ chôn luôn Tô-đầu-chấm-than như một nghi thức chấm dứt mọi quan hệ giữa hai cõi Âm-Dương.

Lễ Dặn dò người sống không buồn nữa (Ma dóa taòh): Lễ Bỏ mả đã kết thúc, mọi người cùng trở về nhà. Chủ Nhang và các phụ lễ đã cởi bỏ trang phục hành lễ. Họ ngồi trên sàn nhà cùng người chủ gia đình và đại diện khác có liên quan trực hệ với người chết (thông thường là con gái, chị, em gái) và làm lễ  “Dặn dò người sống không buồn nữa”. Những người thân đến dự lễ, giờ thì cũng đã xong việc. Họ quây quần cùng nhau uống rượu cần, cùng nhau ca hát, nhảy múa, biến ngày lễ thành một ngày hội vui vẻ, tự do vui chơi đến thâu đêm suốt sáng.

2. Giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Lễ Bỏ mả đã khép lại sau ba ngày với rất nhiều nghi thức đậm đặc bản sắc văn hóa dân tộc Raglai. Điều đáng trân trọng nhất trong Lễ Bỏ mả ấy là trách nhiệm, lòng thuỷ chung của người đang sống dành cho người đã khuất.

Lễ Bỏ mả của người Raglai còn lưu giữ khá đầy đủ các nghi thức tế lễ cổ truyền mang tính biểu tượng cao và nếu được giải mã sẽ góp phần tô đậm thêm bản sắc văn hóa của tộc người Raglai nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Cũng trong Lễ Bỏ mả này, các hình thức nghệ thuật dân gian được truyền thừa từ nhiều thế hệ như nghệ thuật chạm khắc gỗ (trụ nhà mồ, kagor), các nghệ thuật trình diễn (múa, âm nhạc) đã phản ánh thật sắc nét sự sáng tạo của cộng đồng và góp phần tạo nên tính đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.

Quá trình giao lưu, cộng sinh với những người cách mạng miền xuôi hơn 60 năm qua, chính là đặc điểm lớn nhất của người Raglai ở Khánh Sơn. Quá trình bên nhau chung sống và chiến đấu vì độc lập dân tộc ấy, là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự tiếp biến văn hóa cho đồng bào Raglai ở Khánh Sơn. Qua khảo sát chúng ta nhận thấy, một số nghi thức trong Lễ Bỏ mả của người Raglai ở Khánh Sơn hiện nay có dấu hiệu của sự ảnh hưởng các nền văn hóa tộc người khác (trong đó có người Kinh) và đã được cộng đồng người Raglai ở Khánh Sơn mặc nhiên chấp nhận như nghi thức truyền đời của ông cha để lại. Thiết nghĩ, điều ấy không có gì đáng bàn cãi, bởi văn hoá là một dòng chảy, ở đó bao giờ cũng có sự truyền thừa và tiếp biến.

Giấy chứng nhận

3. Hiện trạng di sản văn hóa
Lễ Bỏ mả là một lễ thức quan trọng được truyền thừa, gìn giữ trong cộng đồng người Raglai ở Khánh Sơn nói riêng và cộng đồng người Raglai ở Khánh Hòa nói chung. Quy mô của Lễ Bỏ mả thường tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, nghi thức tùy theo từng vùng đôi khi cũng có những nét đại đồng tiểu dị, nhưng những lễ thức chính thì không có gì sai biệt.

Lễ Bỏ mả là một tập tục có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của từng người Raglai. Tuy là lễ của một gia đình, nhưng vẫn được xem là ngày lễ chung của dòng tộc và của cả cộng đồng, nó thể hiện sự gắn bó, trách nhiệm, tình thương của tộc người Raglai ở Khánh Sơn. Vì thế, cho dù trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, Lễ Bỏ mả vẫn được cộng đồng người Raglai ở Khánh Sơn truyền thừa, gìn giữ và đang tồn tại trong đời sống.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, người Raglai có nhiều điều kiện giao lưu với các nền văn minh khác thì các lễ hội dân gian của người Raglai cũng bị mai một đi nhiều và Lễ Bỏ mả cũng đang có nguy cơ mai một.

Trong những năm gần đây, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa và Ủy ban nhân dân các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh – hai huyện có đồng bào Raglai cư trú - đã có nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ Bỏ mả của người Raglai ở Khánh Hòa. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cách đánh chiêng, hát Akhat juca (hát kể Trường ca Raglai)... nhằm bảo tồn vốn văn hóa dân gian Raglai trong cộng đồng. Tất cả những công việc trên đều hướng vào mục đích bảo vệ di sản văn hóa tộc người Raglai nói chung và Lễ Bỏ mả của người Raglai nói riêng.

Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa

Danh mục tư liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể
- Phan Xuân Biên (Chủ biên): Văn hóa và xã hội người Raglai ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội - 1998;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa: Văn hóa phi vật thể Khánh Hòa; Nxb Văn hóa Dân tộc - 1999;
- Hải Liên: Trang phục cổ truyền Raglai. Nxb Đại  học Quốc gia - 2001;
- Trần Quân : Lễ Bỏ mả của người Raglai ở Ninh Thuận. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 207/2001, trang 26 – 30;
- Th.s Nguyễn Văn Khánh (Chủ biên): Tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống Khánh Hóa 350 năm. Nxb: Chính trị Quốc gia – 2002;
- Nguyễn Đình Tư: Non nước Khánh Hòa. Nxb Thanh niên - 2003;
- Nguyễn Thế Sang: Việc cưới của người Raglai – Việc tang của người Raglai (Diện mạo Khánh Hòa một vùng đất; trang 256 – 260). Nxb Chính trị - 2003;
- Nguyễn Thế Sang: Mô hình con tàu (Ahòq) trong nghi lễ cầu cúng của người Raglai (Văn hóa và ngôn ngữ Raglai – trang 97 – 106). Nxb Chính trị - 2008;
- Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa: Văn nghệ dân gian tỉnh Khánh Hòa - 2006;
- Phan Quốc Anh: Văn hóa Raglai – những gì còn lại. Nxb Văn hóa Dân tộc -2008;
- Hình Phước Liên: Ghi chép khảo tả Lễ Bỏ mả của tộc người Raglai tinh Khánh Hòa. Đề tài văn hóa phi vật thể cấp Bộ - 2009.

  • Chia sẻ

Bài tiếp tiếp theo

LỄ HỘI CẦU NGƯ Ở KHÁNH HÒA

TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH TỈNH KHÁNH HÒA

  • Đang Online:524
  • Hôm nay: 3,946
  • Tuần này: 20,039
  • Tháng này: 640,987
  • Tất cả: 3,745,976

Chung nhan Tin Nhiem Mang