Search
Language

Binh Trung commuanal house

Thôn Bình Trung, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa

  • Certification: 230826111349
  • Provincial monuments

Đình Bình Trung hiện nay thuộc thôn Bình Trung, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (vào thời Nguyễn là một phần đất của Bình Sơn xã, thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa)[1], nằm cách thành phố Nha Trang 63km về hướng Bắc. Đình Bình Trung tọa lạc trên một khu đất địa thế đẹp, không gian thoáng mát giữa khu dân cư, có diện tích 910.4m2, đình quay hướng Nam.

  • Share

Description

Đình Bình Trung hiện nay thuộc thôn Bình Trung, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (vào thời Nguyễn là một phần đất của Bình Sơn xã, thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa)[1], nằm cách thành phố Nha Trang 63km về hướng Bắc.

Về niên đại của di tích, theo các tư liệu lịch sử cho thấy cách đây khoảng trên 300 năm dân cư ở các tỉnh phía Bắc theo chân chúa Nguyễn đến khai hoang, lập làng, lập ấp ở vùng đất màu mỡ ven sông Bình Trung (tên nôm là sông Mỏ), huyện Quảng Phước. Sau một thời gian chịu khó làm ăn, cuộc sống dần ổn định, dân cư ngày càng đông đúc. Họ đã cùng nhau góp công, góp sức dựng lên ngôi đình để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng.

Đình ban đầu được làm bằng tre, nứa, mái lá ở khóm Cát, sau dời về khu đất mà tục danh gọi đất Gò Đình. Năm 1950, do nhiều yếu tố ảnh hưởng, các vị hào lão trong làng thống nhất dời Đình về vị trí hiện nay.


Chính điện đình Bình Trung 

Đình Bình Trung tọa lạc trên một khu đất địa thế đẹp, không gian thoáng mát giữa khu dân cư, có diện tích 910.4m2, đình quay hướng Nam.

Đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, võ ca, tiền tế, chính điện, nhà đông, nhà tây.

Di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị minh chứng lịch sử tồn tại của ngôi đình như: khám thờ thần được chạm trổ tinh xảo, chiêng, trống, mõ, lọng, sắc phong. Hiện nay, đình còn lưu giữ sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.

Đặc biệt, hình thức tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm vào ngày 16 và 17 tháng Hai âm lịch ở đình mang nhiều giá trị văn hóa phi vật thể: nghi thức, nghi lễ cúng tế, văn tế thần, các bản nhạc lễ, trang phục truyền thống và nghệ thuật diễn xướng dân gian (hát bội) đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống.



Hoa văn trang trí tinh xảo tại đình Binh Trung 

Đình Bình Trung được hình thành và phát triển do nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người dân khi đến vùng đất mới. Di tích là nơi ghi dấu một thời khai phá đất đai dựng làng, lập ấp. Ngoài dấu ấn về lịch sử - văn hóa, Đình còn lưu giữ đặc trưng kiến trúc của địa phương, với điểm nổi bật là hệ thống kết cấu chịu lực bằng khung gỗ và những hoa văn trang trí tinh xảo, mang đậm phong cách triều Nguyễn. Đó thực sự là nét đẹp nhân văn cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Với những giá trị tiêu biểu ở trên, di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3005/QĐ-UBND, ngày 20/11/2006 xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                                      Nguyễn Chí Khải

[1] Nguyễn Đình Đầu dịch, (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, NXB TP Hồ Chí Minh.