Âm nhạc và múa Chăm đã có từ lâu và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Chăm. Điều đó cho thấy, múa nhạc Chăm thường không thể thiếu trong các lễ nghi, lễ hội truyền thống hàng năm của họ. Múa Chăm thường để lại ấn tượng mạnh trong lòng người xem. Ai đã từng một lần trong đời nghe diễn tấu nhạc Chăm, từng chiêm ngưỡng các điệu múa Chăm thì khó lòng mà phai nhòa được!
Múa Chăm ở ngay dưới chân tháp Chăm, do chính các vũ nữ người Chăm biểu diễn - không chỉ để gìn giữ nét đẹp văn hóa Chăm, mà còn góp phần giới thiệu múa Chăm với du khách quốc tế, đưa múa Chăm ra thế giới.
“Bộ 3” nhạc cụ Chăm và người nghệ nhân áo trắng
Theo nghệ nhân Vạn Ngọc Chí (47 tuổi, làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), trong âm nhạc truyền thống, người Chăm có nhiều loại nhạc cụ nhưng có 3 loại chính, đó là: trống Ghi năng, trống Paranưng và kèn Saranai. Hiện nay, cả 3 nhạc cụ này đều được đưa vào diễn tấu, phục vụ cho du khách tại tháp bà Ponagar Nha Trang.
Chơi trống Ghi năng mới 8 năm nhưng thật khó để kiếm được một người Chăm chơi loại trống này điêu luyện như nghệ nhân Vạn Ngọc Chí. Khó là vì, trống Ghi năng là loại nhạc cụ diễn tả được âm thanh đa dạng: lúc thì linh hoạt, náo nhiệt, lúc lại thầm thì, nhè nhẹ… bởi tiết điệu của nó lên đến hàng chục. “Tôi học trống Ghi năng từ một người thầy lớn tuổi ở trong làng. Loại trống này có tất cả 75 điệu và đến nay tôi đều thành thạo chúng”, ông Chí kể.
Theo người nghệ nhân Chăm, trống Ghi năng được làm bằng gỗ, dài khoảng 80cm. Mặt trống làm bằng da trâu, thân trống phải là gỗ tốt nguyên cây, không ghép, không nứt. Khi biểu diễn, 2 người nghệ nhân Chăm trong trang phục truyền thống áo trắng ngồi bệt xuống đất giữ lấy trống (hoặc có kệ trống) và dùng 2 trống phối diễn cùng lúc. “Người nghệ nhân khi biểu diễn trống Ghi năng thì dùng tay trái để vỗ và gõ bằng dùi tay phải. Nếu chưa quen thì rất khó để giữ cho trống cân bằng khi vỗ và gõ”, nghệ nhân Chí - tâm sự.
Nghệ nhân Lệ Nhá (62 tuổi, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là người đang giữ vị trí “độc tôn” diễn tấu kèn Saranai ở Tháp Bà Ponagar Nha Trang, hiện nay. Đến nay, ông có 9 năm thổi kèn Sranai trong các nghi lễ ở tháp cũng như phục vụ cho du khách.
Điều đặc biệt là từ thuở mới lên chín lên mười, cậu bé Lệ Nhá đã sớm làm quen với kèn Saranai và không phải ai sau 3 tháng cũng thành thạo nhạc cụ này, bởi Saranai là loại kèn tạo những âm thanh liền hơi ở tốc độ nhanh. Kèn Saranai có chiều dài 35 - 40cm với các bộ phận chính là thân kèn, loa kèn, chuôi kèn. Loại kèn này được làm bằng gỗ kết hợp sừng trâu với 7 lỗ ở trên, 1 lỗ thông hơi ở dưới và lỗ thổi. “Học kèn này nhanh hay chậm là tùy thuộc vào năng khiếu của từng người. Thầy của tôi là một người trong làng nhưng hiện nay ông đã mất rồi”, nghệ nhân Lệ Nhá kể.
Nghệ nhân Chăm diễn tấu trống Ghi năng và kèn Saranai
Trong khi đó, trống Paranưng, chỉ có một mặt như hình cái ly, còn phía sau để không. Đây là loại trống mà với các cách vỗ khác nhau thì trống cho những âm thanh khác nhau. Vì thế, người Chăm gọi người đánh trống Paranưng là “ông thầy vỗ”. Âm thanh của loại trống này đầm ấm, chậm rãi như muốn nói tiếng nói tâm tình, chan chứa của lòng người chứ không thôi thúc, náo động.
Múa Chăm dưới chân tháp và những điều chưa kể
Không phải là địa phương có đồng bào Chăm sinh sống đông đúc nhưng tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang đang có một đội múa Chăm thường nhật để phục vụ du khách dưới chân tháp. Các thiếu nữ Chăm trong đội múa có tuổi đời từ 16-20 tuổi và phần lớn được tuyển chọn từ huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Điều đặc biệt, tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn phải là “thanh nữ”, những em trong đội múa nếu lấy chồng thì phải dừng công việc này.
Múa Chăm có nhiều cách múa như: múa quạt, múa đội lu, múa đạp lửa, múa âm dương, múa Apsara… Bằng điệu múa trên nền nhạc truyền thống, người Chăm thể hiện tâm tư tình cảm của mình, tình yêu lứa đôi nam nữ, ca ngợi tinh thần lao động… Đội múa Chăm ở tháp bà Ponagar Nha Trang biểu diễn hàng ngày, chỉ trừ những hôm mưa, gió. Có lẽ, đây là nơi duy nhất ở miền Trung không chọn người Việt múa Chăm và không sử dụng “sân khấu hóa” múa Chăm. Ngày xuân, không khí ca múa bên chân tháp càng thêm nhộn nhịp, vui tươi.