Tin tức

Người Chăm với lễ hội Tháp Bà Nha Trang

Cùng với Thánh địa Mỹ Sơn ở phía Bắc, Tháp Bà Pô Nagar ở phía Nam trở thành hai thánh đô của vương quốc Chămpa. Kể từ thế kỷ thứ VIII, Pô Nagar trở thành thánh địa của miền Nam Chămpa, từ một đền thờ Shiva, trở thành đền thờ Mẹ xứ sở của vương quốc Chămpa và từ thế kỷ XVII được người Việt sử dụng, gìn giữ di tích như một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh.

Người Chăm với lễ hội Tháp Bà Nha Trang

Tháp Bà Pô Nagar trong đời sống tâm linh của người Chăm
Có thể nói, lịch sử vương quốc Chămpa có nhiều thăng trầm, song không vì vậy mà khu đền tháp Pô Nagar bị lãng quên. Ngược lại, Nữ thần còn được tôn lên cao, được xem là biểu tượng để che chở cho con dân có cuộc sống bình yên, bảo vệ con dân khỏi những cuộc binh đao, cướp bóc của các lực lượng khác đến vùng đất này. Những lời cầu khẩn còn được khắc vào bia ký và Bà được tôn là Mẹ xứ sở của cả dân tộc Chămpa.

Khi người Việt đến định cư ở Kauthara, quá trình di cư của người Chăm về vùng Ninh Thuận, Bình Thuận diễn ra một cách từ từ, không ồ ạt và một bộ phận người Chăm vẫn ở lại sinh sống, tiếp biến văn hóa của người Kinh. Có quan điểm cho rằng: Tương truyền, do có việc ngăn trở người Chăm tới cúng lễ ở Tháp Bà Nha Trang vào khoảng nhà Tây Sơn, nhất là càng ngày vùng tụ cư của họ càng lùi xa về phía nam, nên người Chăm đã chuyển tượng thờ Pô Inư Nưgar từ Nha Trang về Ninh Thuận (Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 263. Nay ở đền Pô Nưkan thuộc thôn Hữu Đức, xã Phước Hưng, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận).

Dưới vương triều nhà Nguyễn cai trị, những người Chăm lại tiếp tục hành hương về Tháp Bà Pô Nagar ở Nha Trang và tổ chức biểu diễn múa Bóng ở khu đền tháp. Vì lí do khách quan chiến tranh loạn lạc, khoảng cách địa lý cách xa mà họ buộc phải rời xa khu đền tháp trong một thời gian. Nhưng tháp Bà Pô Nagar có một vị trí to lớn trong đời sống tâm linh của người Chăm, trong lòng họ luôn hiện hữu hình ảnh Mẹ xứ sở đầy quyền năng, gần gũi mà đáng kính.

Ngày nay, khi đất nước hòa bình, cùng với chính sách tự do tôn giáo và tín ngưỡng, người Chăm, đặc biệt là ở Ninh Thuận và Bình Thuận vẫn thường xuyên hành hương về Tháp Bà Pô Nagar để dâng lễ Mẹ xứ sở. Những năm gần đây, du khách đến tham quan Tháp Bà Pô Nagar được thưởng thức những điệu múa của các cô thôn nữ ở làng Chăm Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước biểu diễn những vũ điệu truyền thống. Với họ đó là niềm vui hàng ngày được gần gũi bên Mẹ để bày tỏ tấm lòng thành kính với Mẹ xứ sở - Nữ thần Pô Nagar.

Nguồn gốc lễ hội Thiên Y Thánh Mẫu
Nét độc đáo trong tín ngưỡng của người Chăm có nét tương đồng với văn hóa của người Việt và cũng nằm trong mẫu số chung của văn hóa khu vực Đông Nam Á. Đó là tín ngưỡng thờ Mẹ hay còn gọi là thờ Mẫu.

Người Việt đã kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tháp Bà Pô Nagar của người Chăm từ tên gọi, thần điện, thần tích, đến di vật (linh tượng) và lễ hội (nghi thức thờ cúng, lễ thay y, điệu múa bóng). Từ những ngôi tháp còn hiện hữu và mang trong mình tâm thức thờ Mẫu, người Việt ở Khánh Hòa đã sáng tạo nên truyền thuyết về Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Truyền thuyết đã được ông Phan Thanh Giản, vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, biên soạn và cho khắc bia dựng vào năm 1856 ở Tháp Bà. Không những Bà sống trong lòng dân, lan tỏa trong các làng quê ở Nam Trung bộ, mà còn được chính quyền phong kiến trung ương ban sắc như một sự ghi nhận sự hiện hữu của Bà trong đời sống dân gian. Các vua triều Nguyễn đã ban sắc phong cho Thiên Y Thánh Mẫu với tên gọi Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và Bà được phong là Thượng đẳng thần. Không chỉ khu đền tháp thờ Bà ở Pô Nagar được ban sắc phong mà ở các miếu thờ trong các làng quê cũng được ban sắc nhiều lần ở nhiều nơi.

Có thể nói, Bà đã trở thành vị phúc thần của tất cả người dân Khánh Hòa. Từ những ngày vía Bà (theo cách gọi của người dân địa phương) mồng 8, 18 và 28 âm lịch hàng tháng, đến ngày thay y hàng năm (ngày 20 các tháng 3, tháng 12 và ngày 12 tháng 7 âm lịch) cho đến đêm giao thừa và ba ngày Tết Nguyên đán, Tháp Bà trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Riêng ngày lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày hội của không chỉ người dân Khánh Hòa mà của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì vậy, Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã nằm trong mẫu số chung “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” của người Việt ở mọi miền đất nước.

Người Chăm với lễ hội Tháp Bà
Được biết, khoảng 15 năm gần đây người Chăm tập trung về dự lễ hội tháp Bà đông đảo, do được Ban tổ chức lễ hội thông báo, còn ngày trước họ tự về hành lễ Mẹ khi có điều kiện hoặc có sự việc cần cầu xin hay tạ ơn. Trong dịp lễ hội tháp Bà, họ tham gia trẩy hội đông vui, nhộn nhịp với mong muốn được về bên Mẹ lâu hơn và gần gũi Mẹ nhiều hơn, được nằm dưới chân Mẹ để hưởng lộc. Do đó, họ dâng lễ và ăn nghỉ xung quanh các chân tháp, nhất là tháp Chính.

Không như người Việt trẩy hội đi theo nhóm bạn hay vài người trong gia đình, người Chăm về với lễ hội Tháp Bà thường đi theo gia đình hoặc dòng họ nên có khi cả plei (làng) cùng về dự lễ hội. Mỗi gia đình dâng lên Mẹ một mâm lễ vật và nhờ thầy cúng (gọi là ông Tuồl) hoặc người mẹ là chủ nhà cúng lễ.

Người Chăm quan niệm lễ vật cúng Mẹ xứ sở là những sản vật họ nuôi trồng và sản xuất như: gà, dê, nho, chuối, cơm, hoa... Lễ vật cúng gồm: 2 con gà, 3 hộp cơm, 4 chén canh, trái cây, nến sáp (làm từ mật ong nên có màu đen), hạt nổ (rang từ gạo nếp), 3 quả trứng gà, 1 chai rượu, 1 dĩa trầu cau, trầm hương.

Yêu cầu về lễ vật cúng: gà luộc nguyên con, có những thầy cúng sẽ yêu cầu gia chủ xé gà ra rồi mới cúng; cơm đựng trong thay - hốp nhưng do đường sá đi lại cũng có khi người ta dùng chén (bát), (thay - hốp làm bằng đồng hoặc bạc, gần giống như ca nhưng phía dưới bầu và không có quai); canh nấu thập cẩm từ nước luộc gà với các loại lá rau người ta hái được như: rau bát, chùm ngây, rau ngót, mồng tơi, măng...; trái cây 7 loại, phải có chuối và được rửa từ nước được lọc qua cát lồi (loại cát bồi ở những thửa ruộng nước mặn; bà Bóng, thầy cúng trước khi tế lễ cũng phải tắm rửa từ nước lọc qua cát lồi); dĩa trầu cau gồm 5 lá trầu, 5 miếng cau, vôi, thuốc. Riêng trầm hương, trước đây gia đình, dòng họ nào cũng có nhưng ngày nay trầm hương hiếm có lại đắt đỏ nên người Chăm thường xé nến sáp (làm từ mật ong) để tạo hương thơm và khói bốc lên.

Gia đình nào không có điều kiện chỉ cúng một mâm trái cây dâng lên Mẹ xứ sở. Có những gia đình không cúng gà mà cúng bằng dê không phải do gia đình có điều kiện kinh tế muốn cúng mà theo giải thích của họ do các vị bề trên như các thần hay ông bà tổ tiên muốn cúng dê hay gà thì gia chủ cúng hiến sinh con vật đó. Lễ hiến sinh của người Chăm thể hiện ở việc họ không làm thịt gà ở nhà mà đưa gà hay dê đến Tháp Bà mới giết thịt để được thần linh chứng giám và ban cho mưa thuận gió hoà, có sức khoẻ để làm ăn, con cái học hành tấn tới để thế hệ trẻ sẽ viết tiếp tương lai.

Như vậy, khu di tích tháp Bà Pô Nagar ở Nha Trang - Khánh Hòa chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của qúa trình giao lưu Việt – Chăm trong lịch sử, là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố kết cộng đồng của các dân tộc Việt Nam hôm nay và là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi đến Nha Trang – Khánh Hòa. Thông qua lễ hội là một dịp để du khách trong và ngoài nước, những nhà nghiên cứu hiểu thêm về lịch sử, về những nét đẹp văn hóa truyền thống của con người và mảnh đất Khánh Hòa.

  • Chia sẻ

Bài tiếp tiếp theo

Văn bia đình Ngọc Hội

TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH TỈNH KHÁNH HÒA

  • Đang Online:406
  • Hôm nay: 2,053
  • Tuần này: 34,870
  • Tháng này: 692,570
  • Tất cả: 3,797,559

Chung nhan Tin Nhiem Mang