Tin tức

Di tích Thành Nhà Hồ

Ngày 27 tháng 6 năm 2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Di tích Thành Nhà Hồ

Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước UNESCO 1972 về việc Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới, đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp này có đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng một số tỉnh/thành phố có Di sản Thế giới ở Việt Nam.
Là kinh đô của nhà Hồ, Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Sau khi xây thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. 4 bên mặt thành được bao quanh bằng tường đá với tổng khối lượng đá xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp.
Ngay từ đợt công nhận đầu tiên các di tích có giá trị cao, đặc biệt quan trọng của đất nước vào năm 1962, Di tích Thành Nhà Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Kể từ đó tới nay, đã có thêm 02 di tích nữa thuộc khu vực này được công nhận cấp quốc gia, là: Đàn Nam Giao và La Thành.
Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ bao gồm 3 di tích nói trên cùng với di tích hào thành, các di tích khảo cổ dưới lòng đất, các làng cổ, các di tích chùa đền, hang động, toàn bộ cảnh quan núi non, sông nước liên quan tới Thành Nhà Hồ.
Để trở thành Di sản văn hóa Thế giới, Thành Nhà Hồ được đánh giá có giá trị nổi bật toàn cầu trên 3 cột trụ chính là:
1- Về Tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu:
Thành Nhà Hồ đạt 2 tiêu chí sau:
Tiêu chí ii: Khu di sản Thành Nhà Hồ là biểu hiện rõ rệt những sự giao thoa trao đổi quan trọng các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á vào cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV. Nơi mở đầu cho việc tiếp thu các tư tưởng tích cực của Nho Giáo thực hành (Trung Quốc) nở rộ từ thời Lê Sơ kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Những tư tưởng ấy kết hợp với các đặc điểm của văn hóa Việt Nam và khu vực được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam nhằm đưa đất nước đạt tới các thành tựu mới văn minh hơn, tích cực hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, đáp ứng các yêu cầu đổi mới cấp bách của Việt Nam. Tất cả được thể hiện nổi trội và duy nhất ở Thành Nhà Hồ trên các phương diện thiết kế cảnh quan đô thị, kiến trúc thành đá, kỹ thuật xây dựng đá lớn và các ảnh hưởng tác động lẫn nhau nhiều chiều của khu di sản tới kỹ thuật xây dựng thành quách sau đó ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Tiêu chí iv: Khu di sản vừa là ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc Hoàng thành biểu tượng cho quyền lực Hoàng gia tiêu biểu ở phương Đông, vừa là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn, uy nghiêm. Thành Nhà Hồ là biểu hiện tiêu biểu của sự kết hợp hài hòa giữa các công trình xây dựng và cảnh quan thiên nhiên, tiêu biểu cho sự vận dụng quan niệm xây dựng theo phong thủy và cảnh quan văn hóa tại khu vực di sản. Kỹ thuật xây dựng đá lớn độc đáo, duy nhất của Việt Nam được thấy ở đây, đã được kết hợp một cách sáng tạo, tài tình với truyền thống kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng ở Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á, với một hệ thống thao tác kỹ thuật thủ công liên hoàn như khai thác đá, gia công đá, vận chuyển các khối đá nặng từ 10 tấn đến 26 tấn, xử lý móng nền đá, nâng các khối đá lớn lên độ cao trên 10m, vừa đảm bảo được công năng kiến trúc vừa đáp ứng yêu cầu mỹ thuật cần thiết của một đô thành. Kỹ thuật xây dựng thành công các bức tường thành bằng đá lớn đã phát huy ảnh hưởng của nó tới kỹ thuật xây dựng nhiều tòa thành sau đó ở khu vực, nhưng kỳ vĩ nhất, đặc sắc nhất chỉ có Thành Nhà Hồ vốn được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực.
2- Về tính toàn vẹn và tính xác thực:
Khu di sản đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản về tính toàn vẹn, tính xác thực được nêu trong Hướng dẫn thực hiện Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới.
3- Về công tác quản lý:
Ngày 21/9/2010, ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 3341/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ với chức năng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ. Trước đó, ngày 08/02/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận. Những văn bản này cùng với Luật di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở quan trọng để bảo vệ, quản lý tốt di tích Thành Nhà Hồ.
Tuy nhiên, để bảo tồn bền vững Di sản Thành Nhà Hồ, chúng ta còn phải tích cực hơn nữa nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, gìn giữ sự toàn vẹn và tính xác thực của Di sản theo quy định của Công ước UNESCO 1972.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Thành Nhà Hồ đã được Chính phủ cho phép chuẩn bị hồ sơ kể từ tháng 01 năm 2006. Từ đó tới nay, với sự quyết tâm của các cấp chính quyền cùng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các Bộ, ngành và các nhà khoa học của Việt Nam, Thành Nhà Hồ đã chính thức được vinh danh trên toàn thế giới, thể hiện những bước đi vững chắc của chúng ta trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị đối với di tích đặc biệt quan trọng này.

Nguồn: Di tích Thành Nhà Hồ (dsvh.gov.vn)

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Bài tiếp tiếp theo

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH TỈNH KHÁNH HÒA

  • Đang Online:9
  • Hôm nay: 966
  • Tuần này: 9,086
  • Tháng này: 34,338
  • Tất cả: 3,098,543

Chung nhan Tin Nhiem Mang